Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh lý nội tiết rất phổ biến ở phụ nữ. Bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không là thắc mắc chung của rất nhiều chị em. Cùng tìm hiểu những biến chứng có thể gặp của bệnh tại bài viết này.
Tổng quan về buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang tên tiếng anh là PolyCystic Ovarian Syndrome – PCOS là bệnh lý nội tiết phụ khoa thường gặp xuất hiện với tỉ lệ từ 5-7% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản và chiếm 75% trường hợp vô sinh do không phóng noãn.
Hội chứng được ghi nhận từ năm 1935 với tên gọi là Stein Leventhal. Nguyên nhân PCOS chưa rõ ràng, có thể là sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống. Sinh lý bệnh của PCOS khá phức tạp và cho đến nay chưa được hiểu rõ. Mặc dù tên gọi của hội chứng là về buồng trứng, tuy nhiên PCOS không phải là một vấn đề của riêng buồng trứng. Buồng trứng chỉ là một cơ quan trong cơ thể chịu ảnh hưởng của hội chứng này.
Bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Trước đây, trọng tâm của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là chu kỳ kinh nguyệt không đều và giảm khả năng sinh sản của phụ nữ. Hiện nay, PCOS được xem là một hội chứng còn bao gồm các rối loạn về chuyển hóa và nội tiết toàn thân. Nếu không được quản lý tốt, PCOS có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài nghiêm trọng như ung thư nội mạc tử cung, bệnh tim, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.
- Béo phì: Khoảng 30-35% phụ nữ đa nang buồng trứng bị béo phì. Một số nghiên cứu chỉ ra béo phì cũng đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh lý đa nang buồng trứng. Người ta nhận thấy rằng cân nặng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng lâm sàng của đa nang buồng trứng. Kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp có thể giúp cải thiện tiên lượng của bệnh.
Các tài liệu gần đây đã phát hiện ra rằng việc tích tụ mỡ nhiều trong cơ thể cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh sản. Cũng có vẻ như béo phì có thể có mối quan hệ hai chiều với PCOS, vì phụ nữ mắc PCOS có xu hướng tăng cân và tăng cân quá mức làm tăng tỷ lệ PCOS.
- Ung thư nội mạc tử cung: Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung gấp 4 lần và ung thư nội mạc tử cung gấp 6 lần so với người bình thường. Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nội mạc tử cung tiếp xúc với các hormone, estrogen làm cho lớp niêm mạc tăng sinh và dày lên. Khi vòng kinh không phóng noãn, điển hình trong PCOS lớp niêm mạc không rụng nên tiếp xúc với lượng estrogen cao hơn nhiều, khiến nội mạc tử cung tăng sinh và phát triển dày hơn nhiều so với bình thường. Khi nội mạc dày lên lâu dần có thể dẫn đến các tế bào biến đổi thành ung thư bắt.
- Bệnh tim: Theo báo cáo của các tổ chức khoa học phụ nữ bị PCOS có tỷ lệ gia tăng các yếu tố nguy cơ với bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, béo phì và các yếu tố nguy cơ không phân loại như protein phản ứng C (CRP), homocystein.
Năm 2004, nghiên cứu INTERHEART được thực hiện trên toàn thế giới với 27.098 bệnh nhân từ 52 quốc gia, đã phát hiện 9 yếu tố nguy cơ của bệnh tim hoàn toàn có thể dự phòng. Trong đó, ước tính tỷ lệ hiện mắc bệnh lý tim mạch ở phụ nữ mắc PCOS cao gần gấp đôi so với người bình thường. 9 yếu tố này cũng chiếm hơn 94% nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ, bao gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, béo phì nội tạng, yếu tố tâm lý xã hội, giảm ăn rau quả, uống rượu thường xuyên và hoạt động thể chất thường xuyên.
- Tiểu đường: Phụ nữ bị PCOS thường xuyên bị kháng insulin, có nghĩa là cơ thể của họ kháng lại việc sử dụng glucose đúng cách, dẫn đến lượng glucose cao hơn và insulin được sản xuất nhiều hơn. Theo thời gian, lượng glucose trong máu cao liên tục có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Diabetes, các nhà khoa học dõi theo 255 phụ nữ mắc PCOS trong 10 năm và đưa ra kết luận 39,3% phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Con số này ở phụ nữ trong dân số nói chung chỉ là 5,8%.
- Hội chứng chuyển hóa: Hội chứng đa nang buồng trứng có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa nguy hiểm như tình trạng huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol HDL thấp, cholesterol LDL cao… dẫn đến nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, tiểu đường tuýp 2, đột quỵ… Có khoảng ⅓ phụ nữ mắc PCOS có khả năng các mắc hội chứng chuyển hóa.
- Rối loạn kinh nguyệt: Đây được xem là ảnh hưởng lớn đối với chị em mắc buồng trứng đa nang. Với chị em mắc hội chứng này sẽ thường có chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Việc rối loạn kinh nguyệt dẫn đến rối loạn rụng trứng vì vậy việc thụ thai có thể gặp nhiều khó khăn hơn bình thường.
- Vô sinh: Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy buồng trứng đa nang là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn phóng noãn và quá trình rụng trứng, làm tăng nguy cơ vô sinh. Theo nghiên cứu trong một quần thể lớn gồm 1.741 phụ nữ bị ảnh hưởng bởi PCOS, phụ nữ vô sinh nguyên phát chiếm 50%, trong khi vô sinh thứ phát chỉ chiếm 25%.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý kèm theo của buồng trứng đa nang cũng góp phần gây vô sinh, đặc biệt là kháng insulin và béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai và giảm tỷ lệ mang thai và sinh con. Bất thường nội mạc tử cung cũng được báo cáo ở phụ nữ PCOS làm ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi.
- Di truyền bệnh cho con: Đa nang buồng trứng là bệnh lý có thể ảnh hưởng toàn thân, khi mắc hội chứng này, buồng trứng của người phụ nữ sẽ sản xuất dư androgen, nồng độ nội tiết này cao sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và phóng noãn, bên cạnh đó nếu bạn có mẹ hoặc chị gái bị buồng trứng đa nang thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn so với người có tiền sử gia đình không mắc bệnh.
- Biến chứng khác (mất ngủ, lo âu, trầm cảm, mụn trứng cá,…): Ngoài các suy giảm chức năng tim mạch và chuyển hóa đã biết, bệnh nhân PCOS có nguy cơ tăng rối loạn tâm lý và giảm chất lượng cuộc sống so với phụ nữ khỏe mạnh. Trong một phân tích tổng hợp gần đây, người ta thấy rằng tỷ lệ trầm cảm trong PCOS dao động từ 14% đến 67%, với tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn gấp 4 lần so với phụ nữ đối chứng cùng độ tuổi.
Bên cạnh đó, hội chứng này còn khiến người bệnh đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng đến ngoại hình như tăng cân mất kiểm soát, xuất hiện mụn trứng cá, hói đầu, rậm lông, sạm da… điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ ngoài của chị em.
Giảm thiểu nguy cơ biến chứng từ buồng trứng đa nang
Làm sao để giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng với bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang là điều rất nhiều chị em quan tâm. Các biến chứng do buồng trứng đa nang có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, đây là bệnh sẽ theo bạn đến suốt cuộc đời, vì vậy để có thể chung sống hòa bình với tình trạng này, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Thay đổi lối sống: Một trong những điều dễ dàng nhất để cải thiện buồng trứng đa nang là ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên. Chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, bạn đã có thể giảm bớt một số triệu chứng của bệnh và giúp kinh nguyệt đều đặn hơn, điều này cũng giúp kiểm soát các vấn đề về đường trong máu và quá trình rụng trứng.
Bạn có thể được khuyến nghị hạn chế một số thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường, thay vào đó là những thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm tự nhiên chưa qua chế biến…
Việc duy trì hoạt động thể chất cũng giúp bạn giảm cân và kiểm soát tốt thể trạng bản thân, tập thể dục cũng mang lại năng lượng tích cực giúp bạn đối phó với những triệu chứng như lo âu, căng thẳng.
- Theo dõi tình trạng bệnh: Bên cạnh việc thay đổi lối sống, nhiều phụ nữ cần kết hợp sử dụng thuốc để điều trị buồng trứng đa nang, trao đổi với bác sĩ để được lập một kế hoạch điều trị phù hợp với cá nhân bạn.
Với những phụ nữ chưa muốn mang thai, một số phương pháp tránh thai như sử dụng thuốc tránh thai nội tiết, thuốc tiêm, dụng cụ tử cung có thể giúp kinh nguyệt đều đặn hơn, các phương pháp này cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung.