Viêm phụ khoa khi mang thai không phải tình trạng quá hiếm, thậm chí khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, nấm men xâm nhập hay bà bầu vệ sinh cá nhân không đúng cách.
Do sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể mà phụ nữ mang thai thường mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Mặc dù không để lại hậu quả nghiêm trọng những bệnh khiến cho mẹ bầu vô cùng khó chịu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé.
Nhiều bà bầu thắc mắc viêm phụ khoa có ảnh hưởng đến thai nhi không? Câu trả lời là có. Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi nếu không được điều trị kịp thời. Do đó mẹ bầu cần tìm hiểu cách phòng tránh cũng như phương pháp điều trị hiệu quả để cả mẹ và bé đều an toàn trong suốt thời gian thai kỳ.
Mục lục
- 1 Phân loại các bệnh viêm phụ khoa khi mang thai
- 2 Nguyên nhân mẹ bầu dễ bị viêm nhiễm âm đạo
- 3 Dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa
- 4 Mẹ bầu cần làm gì khi bị viêm phụ khoa?
- 5 Cách phòng ngừa bệnh viêm âm đạo khi mang bầu
- 5.1 Giảm nguy cơ gây kích ứng
- 5.2 Không thụt rửa sâu khi vệ sinh âm đạo
- 5.3 Quan hệ tình dục an toàn
- 5.4 Giữ cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo
- 5.5 Vệ sinh vùng kín với nước ấm khi cần thiết
- 5.6 Thường xuyên kiểm tra vùng chậu
- 5.7 Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh
- 5.8 Kiên trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Phân loại các bệnh viêm phụ khoa khi mang thai
Nhiễm khuẩn âm đạo
Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 20% phụ nữ mang thai mắc phải nhiễm khuẩn âm đạo trong thai kỳ. Nguyên nhân gây bệnh là do bên trong âm đạo có quá nhiều vi khuẩn, làm mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi làm sưng, viêm, âm đạo có mùi hôi và các triệu chứng khác.
Viêm nhiễm nấm Candida
Viêm nhiễm nấm Candida là một trong những bệnh viêm phụ khoa khi mang thai
Nấm Candida cư trú trong âm đạo, đây là loại vi nấm vô hại nếu độ pH trong môi trường âm đạo ở mức cân bằng. Tuy nhiên, khi người phụ nữ mang thai, độ pH âm đạo có sự thay đổi do sự tăng giảm nội tiết tố trong cơ thể. Đây là môi trường lý tưởng cho nấm Candida phát triển và gây bệnh. Có khoảng 10 – 75% tỷ lệ phụ nữ nhiễm nấm âm đạo.
Triệu chứng đặc trưng khi bà bầu bị nấm Candida là đau, ngứa, nóng rát, kích ứng âm hộ và thỉnh thoảng bị khó tiểu. Đây là bệnh dễ dàng điều trị tuy nhiên bệnh lại có tính chất tái phát nhiều lần. Trường hợp mẹ chưa điều trị dứt điểm viêm nhiễm phụ khoa do nấm Candida mà đã sinh con qua âm đạo thì khả năng nấm có thể dính vào niêm mạc miệng của trẻ là rất cao, khiến trẻ bị đen miệng hoặc viêm da do nấm. Nguy hiểm hơn, nấm Candida còn khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng trong tử cung, tăng nguy cơ sinh non, có thể bị viêm phổi, sức đề kháng yếu. Do đó, bác sĩ khuyến cáo các mẹ bầu nên điều trị bệnh dứt điểm trước khi sinh để tránh lây nhiễm cho bé.
Viêm phụ khoa do nhóm vi khuẩn Bacterial Vaginosis (BV)
Do sự thay đổi của hormone khi mang thai mà các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển quá mức khiến chị em phụ nữ mắc các bệnh về phụ khoa. Những biểu hiện viêm phụ khoa do nhóm vi khuẩn Bacterial Vaginosis gây ra thường rất dễ phát hiện như tiết dịch âm đạo chuyển sang màu xám, có mùi hôi tanh.
Khi mắc bệnh, thai phụ có thể đối mặt với các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như nhiễm trùng nước ối, vỡ màng ối sớm, tăng nguy cơ sinh non, tăng nguy cơ sảy thai khi thai nhi lớn, viêm màng tử cung sau khi sinh qua âm đạo hoặc sinh mổ, trẻ sinh ra bị nhẹ cân…
Các chuyên gia cho biết, viêm nhiễm phụ khoa do vi khuẩn Bacterial Vaginosis là bệnh thường gặp nhất đối với phụ nữ mang thai, cứ khoảng 5 người thì sẽ có 1 người bị nhiễm bệnh. Do đó, phụ nữ khi mang thai không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường ở vùng kín, cần có biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Viêm âm đạo do lậu cầu khuẩn
Trong các nguyên nhân gây viêm phụ khoa ở nữ giới, lậu cầu khuẩn là tác nhân gây bệnh ở mức độ nguy hiểm khá cao, nhất là đối với phụ nữ mang thai. Nếu không điều trị sớm, để bệnh kéo dài, thai phụ sẽ có các triệu chứng như nước tiểu đục kèm theo mủ, tiểu rắt, ra nhiều huyết trắng nặng mùi và đau vùng bụng dưới.
Viêm phụ khoa khi mang thai do lậu cầu khuẩn nếu không được điều trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, cụ thể là: gây viêm màng ối, vỡ ối, nguy cơ sinh non tăng lên 8%, trẻ sinh ra nhẹ cân do suy dinh dưỡng bào thai… Bên cạnh đó, trong quá trình sinh thường, vi khuẩn lậu sẽ lây nhiễm cho bé, nguy hiểm nhất là khi vi khuẩn xâm nhập vào mắt bé, gây sung huyết, có nhiều mủ vàng, làm giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
Nhiễm virus HPV trước và trong thai kỳ
Virus HPV hay virus gây u nhú ở người là một loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Hiện có hơn 150 loại HPV khác nhau tồn tại nhưng chỉ có một vài chủng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có thể lây nhiễm qua đường sinh dục và gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư.
Biểu hiện khi xuất hiện mụn cóc ở thai phụ như sau: trên da nổi các mụn thịt mọc đơn lẻ hoặc thành từng cụm. Mụn cóc sinh dục phát triển trên âm đạo, âm hộ, tại cổ tử cung hoặc hậu môn người bệnh. Chúng không gây đau đớn, khó chịu cho bà bầu nhưng lại có nguy cơ cao biến thành khối u ác tính nếu không điều trị kịp thời.
Tuy vậy, khi mang thai bị viêm phụ khoa do nhiễm virus HPV sẽ không truyền cho thai nhi hoặc phát triển thành bệnh nhiễm trùng nào khác. Ngay cả khi trẻ sinh ra nhiễm virus này thì bệnh cũng sẽ tự khỏi sau vài ngày vì con đã có khả năng miễn dịch. Trong trường hợp mụn đang ngăn chặn đường em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi trong bụng.
Giang mai
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do xoắn khuẩn Treponema Pallidum gây ra. Những đối tượng có thói quen quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình rất dễ mắc căn bệnh xã hội nguy hiểm này. Đặc biệt, người phụ nữ khi mang thai phát hiện mắc giang mai sẽ ảnh hưởng trực tiếp cho thai nhi trong bụng, cụ thể:
- Gây nhiễm trùng bào thai, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non
- Có nguy cơ cao thai chết lưu
- Trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh do nhiễm trùng từ người mẹ
- Trẻ sinh ra bị dị tật hoặc gây tử vong nếu mắc giang mai bẩm sinh
Chính vì vậy, để đảm bảo thai nhi được phát triển toàn diện và an toàn, người mẹ trước và trong khi mang thai cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa bệnh giang mai tránh nguy cơ lây từ mẹ sang con.
Nguyên nhân mẹ bầu dễ bị viêm nhiễm âm đạo
Nguyên nhân mẹ bầu dễ bị viêm nhiễm âm đạo là do dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường
Viêm phụ khoa là bệnh lý thường gặp ở nữ giới, tuy nhiên, phụ nữ mang thai dễ bị viêm nhiễm hơn người bình thường. Bởi khi bắt đầu thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi, cụ thể là:
- Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể và pH trong âm đạo thay đổi một cách bất thường, gây ra sự biến đối môi trường âm đạo, các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa sẽ dễ xuất hiện hơn.
- Khi mang thai, dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường do đó nếu vùng kín không được vệ sinh đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm và vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm.
- Khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu cũng yếu hơn so với trước đây do đó khả năng chống lại nấm, vi khuẩn giảm sút khiến cơ thể dễ mắc các bệnh phụ khoa hơn.
- Khi mang thai, lượng đường trong cơ thể mẹ bầu cũng sẽ bị giảm nhanh hoặc tăng quá cao cũng là yếu tố khiến bà bầu bị viêm phụ khoa. Chế độ ăn uống không khoa học của người mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới lượng đường phù hợp cho cơ thể.
Dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa
Viêm nhiễm phụ khoa có nhiều loại, do đó, khi có dấu hiệu bất thường ở vùng kín, mẹ bầu nên đi khám để được chẩn đoán rõ bệnh tình, tiến hành điều trị sớm, triệt để nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tránh tác động xấu đến thai nhi.
Một số dấu hiệu đặc trưng của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa mà các mẹ bầu cần nắm rõ như:
- Vùng kín ra nhiều khí hư bất thường, khí hư có màu vàng hoặc màu xanh. Tuy nhiên, nếu ra nhiều khí hư màu trắng thì đó là tình trạng bình thường.
- Vùng âm hộ, âm đạo cảm thấy ngứa và nóng rát.
- Khó tiểu, nước tiểu đục, khi đi tiểu có cảm giác đau buốt.
- Khi quan hệ tình dục cảm thấy đau rát.
- Vùng kín xuất hiện mùi hôi khó chịu.
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, mẹ nên đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh đang gặp phải, tránh chủ quan dẫn đến nhiều nguy hiểm cho chính bản thân cũng như em bé trong bụng.
Mẹ bầu cần làm gì khi bị viêm phụ khoa?
Bà bầu bị viêm phụ khoa nên ăn sữa chua lên men tự nhiên
Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai không có dấu hiệu quá rõ ràng nên đôi khi các mẹ dễ nhầm lẫn với những biểu hiện bình thường của thai kỳ. Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như thai nhi trong bụng, khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng kín mẹ nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến thai nhi.
Thông thường, để điều trị viêm âm đạo cho phụ nữ mang thai, bác sĩ sẽ kê thuốc bôi hoặc thuốc đặt âm đạo và hạn chế dùng kháng sinh vì chúng gây nhiều tác dụng phụ và tác động xấu đến thai nhi.
Nếu mẹ bị viêm phụ khoa trong 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ đưa ra vài phương pháp mẹ có thể tự cải thiện tình trạng viêm nhiễm của mình ngay tại nhà. Lúc này, cơ thể của thai nhi đã phát triển tương đối hoàn thiện nên sẽ an toàn hơn. Cụ thể là:
- Tỏi là một trong những gia vị có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn do đó, mẹ bầu nên thường xuyên ăn tỏi trong bữa ăn giúp phòng tránh và điều trị viêm âm đạo.
- Bà bầu bị viêm phụ khoa nên ăn sữa chua lên men tự nhiên mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp vi khuẩn có lợi, chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.
- Mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ ngọt như bánh kem, kẹo, socola… vì chúng làm tăng lượng bài tiết của âm đạo, khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và bệnh tiến triển nặng thêm.
- Khi mang thai bị viêm phụ khoa thì mẹ nên kiêng quan hệ tình dục. Đồng thời giữ vệ sinh vùng kín, mặc quần lót vừa vặn, chất liệu thấm hút tốt để giữ cho vùng kín luôn khô thoáng.
- Không nên sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH cao để thụt rửa âm đạo sẽ khiến cho âm đạo bị mất đi độ ẩm cân bằng.
- Không nên áp dụng những mẹo dân gian trị viêm phụ khoa chưa được kiểm chứng vì rất dễ chữa “lợn lành thành lợn què” khiến bệnh ngày càng nặng thêm.
- Không tự ý mua thuốc về sử dụng mà không hỏi ý kiến của bác sĩ vì có một số loại thuốc tốt cho người bình thường nhưng có thể gây hại cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi nếu dùng không đúng liều lượng cho phép.
Cách phòng ngừa bệnh viêm âm đạo khi mang bầu
Giảm nguy cơ gây kích ứng
Giảm nguy cơ gây kích ứng cho vùng kín là một trong những cách phòng ngừa bệnh viêm âm đạo khi mang bầu. Trước khi sử dụng bất kỳ một dung dịch vệ sinh nào, mẹ bầu cũng nên hỏi ý kiến của người bán thuốc để biết rõ thành phần, độ pH để tránh các chất gây kích ứng.
Vùng kín là bộ phận rất nhạy cảm nên dù chỉ là xà phòng không mùi hay độ pH quá cao cũng có thể khiến “cô bé” khó chịu. Bên cạnh đó, việc tắm bồn với nước nóng quá lâu hay sử dụng spa có xoáy nước đều không tốt cho “cô bé” nên các mẹ bầu cần hạn chế những việc như vậy.
Không thụt rửa sâu khi vệ sinh âm đạo
Vệ sinh vùng kín không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây bệnh viêm phụ khoa
Âm đạo luôn có một độ pH nhất định để hỗ trợ vi khuẩn có lợi đồng thời kìm hãm các vi khuẩn có hại. Vì thế, việc thụt rửa sau khi vệ sinh âm đạo đã vô tình loại bỏ các vi khuẩn có lợi cho âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển.
Một nghiên cứu cho thấy có rất nhiều phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 44 thường xuyên thụt rửa sâu khi vệ sinh âm đạo, khiến nguy cơ bị nhiễm trùng âm đạo tăng cao. Do đó, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo việc vệ sinh bên trong vùng kín là không an toàn, chỉ cần thường xuyên vệ sinh khu vực bên ngoài của vùng kín.
Quan hệ tình dục an toàn
Các chuyên gia cho biết rằng, khi bạn quan hệ tình dục với càng nhiều người, nguy cơ bạn bị viêm nhiễm phụ khoa càng cao. Để giảm thiểu nguy cơ này cũng như tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nguy hiểm khác như bệnh lậu, giang mai, HIV/AIDS… thì bạn cần có quan điểm rõ ràng trong việc lựa chọn bạn tình, không nên quá dễ dãi trong chuyện chăn gối.
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cần phải biết bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, chị em cũng nên đi khám phụ khoa 6 tháng một lần để kiểm tra xem có mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay không.
Giữ cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo
Sự mất cân bằng hệ vi khuẩn là nguyên nhân dẫn đến viêm phụ khoa khi mang thai. Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh này chính là luôn giữ cho vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi trong vùng kín luôn được cân bằng. Cách đơn giản nhất là vệ sinh vùng kín đúng cách và mặc quần áo thích hợp.
Vệ sinh vùng kín với nước ấm khi cần thiết
Với những chị em đã từng bị viêm âm đạo, các bác sĩ khuyên tốt nhất nên tránh sử dụng các sản phẩm tẩy rửa khi vệ sinh âm đạo. Thực tế, âm đạo có cơ chế tự làm sạch, do đó, khi sử dụng các chất tẩy rửa sẽ loại bỏ vi khuẩn có lợi trong vùng kín của bạn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển làm tình trạng viêm nhiễm tái phát. Vì thế, khi cần thiết bạn chỉ cần vệ sinh vùng kín với nước ấm là đủ.
Thường xuyên kiểm tra vùng chậu
Vùng chậu là cơ quan có mối quan hệ mật thiết với buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng, do đó, khi bị đau hay viêm vùng chậu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người phụ nữ. Khi vi khuẩn từ âm đạo và cổ tử cung di chuyển vào tử cung sẽ gây viêm vùng chậu.
Lúc này, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh gây ra tình trạng áp-xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Nếu không can thiệp điều trị sớm, đúng cách, bệnh viêm vùng chậu sẽ ở phụ nữ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng và kéo dài như vô sinh, mang thai ngoài tử cung, đau xương chậu mãn tính.
Vì thế, chị em cần thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần vừa giúp kiểm tra sức khỏe vùng kín, vừa giúp phát hiện những bất thường ở vùng chậu. Có rất nhiều trường hợp nhờ những buổi khám định kỳ mà đã phát hiện mình bị viêm âm đạo và được điều trị kịp thời, nhanh chóng khỏi.
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Bà bầu nên ăn nhiều trái cây tươi để tốt cho vùng kín
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể ảnh hưởng đến độ pH, làm thay đổi sự cân bằng vi khuẩn bên trong âm đạo, làm cho “cô bé” có mùi khác thường. Các loại thực phẩm như hành, tỏi, thịt, rượu, bơ sữa, bông cải xanh… khi tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên vốn có của âm đạo, khiến âm đạo có mùi hôi.
Khi nói đến việc ăn uống tốt cho vùng kín, bác sĩ dinh dưỡng khuyên chị em nên ăn nhiều trái cây tươi, ngũ cốc, rau xanh, uống nhiều nước và ăn ít đường, ít tinh bột. Ngoài ra, ăn nhiều sữa chua không đường hay các thực phẩm chứa probiotic cũng giúp duy trì cân bằng độ pH và axit bên trong âm đạo.
Kiên trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Nếu được chẩn đoán bị viêm âm đạo do vi khuẩn, người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ những hướng dẫn điều trị của bác sĩ đồng thời luôn phải uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng. Sau mỗi đợt điều trị nên đi tái khám cẩn thận, tránh điều trị ngắt quãng sẽ khiến nguy cơ bệnh tái phát tăng lên. Bên cạnh đó, người bệnh không được chủ quan, không tự ý mua thuốc về điều trị hay thực hiện những mẹo dân gian chưa được khoa học kiểm nghiệm tính hiệu quả để tránh những hậu quả khó lường.
Hi vọng những chia sẻ về viêm phụ khoa khi mang thai đã giúp chị em có cái nhìn rõ ràng, hiểu biết thêm về bệnh. Từ đó có cách phòng tránh và điều trị sớm, kịp thời, tránh để bệnh kéo dài dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm cho bản thân và thai nhi trong bụng. Nếu còn bất kỳ câu hỏi liên quan về khám phụ khoa, hãy nhấc máy gọi cho bệnh viện Phương Đông theo hotline 19001806 để được tư vấn.